Nếu như Vĩnh Cửu (Đồng Nai) nổi tiếng với hương bưởi xứ Tân Triều, thì đến với Tân An ngày nay còn có quả ngâu được nhiều người biết đến.
Có thể nói, hương ngâu là một thứ đặc sản mà chỉ miền Đông mới có. Hương vị của rượu ngâu không thua gì hương vị của nhiều loại rượu ngoại.
Trái ngâu khi chín có vị khá đắng thường được dùng ngâm rượu rất thơm và đặc biệt.
Cây ngâu là loại cây đại mộc cao to, hoa ngâu mọc chi chít thành từng chùm tỏa hương thơm ngát, đến tầm tháng 3, hoa ngâu rụng và bắt đầu kết trái.
Đến tháng chạp hàng năm là mùa quả ngâu chín, mùi thơm của trái ngâu khá đặc biệt do rơi vào dịp tết nên có nhiều gia đình còn chọn lựa trưng trái ngâu trên mâm ngũ quả.
Thông thường mỗi cây ngâu rất sai trái, trái ngâu có thể dùng ăn sống khi chín, ngoài ra trái ngâu được xem là nguyên liệu quý để ngâm rượu.
Quả ngâu có mùi thơm đặc biệt, do đó dân sành về rượu rất thích chọn lựa trái ngâu ngâm rượu. Trái ngâu khi chín được nướng để dậy mùi thơm trước khi ngâm. Rượu ngâu khi ngâm có mùi thơm rất nồng, màu rượu có màu đỏ đậm rất đẹp.
Theo những người dân xứ Tân An (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), để có bình rượu ngâu đúng điệu, khi ngâm phải chọn trái ngâu cứng mỏng vỏ và thơm ngọt nồng nàn, chỉ nên ngâm phần vỏ ngâu.
Rượu ngâm quả ngâu không chỉ có công dụng trị nhức mỏi, đau lưng, đau bụng, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt mà còn là món quà đặc biệt của người dân xứ Tân An mỗi lần có khách quý ghé thăm.