Hiện nay, các địa phương tại Đồng Nai đang triển khai nhiều phương án khắc phục tình trạng ngập trên địa bàn sau mỗi cơn mưa lớn để đảm bảo an toàn, ổn định đời sống của người dân.

Đồng Nai chung tay xóa điểm ngập tại các địa phương

Ngày 20/6, Ban Chỉ đạo cấp, thoát nước và xử lý nước thải các đô thị tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện khắc phục tình trạng ngập nước khi mưa lớn trên toàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2026.

Đồng Nai: Các địa phương, nhất là TP.Biên Hòa tìm cách xóa ngập khi mưa lớn - Ảnh 1.

Mục đích của kế hoạch này nhằm tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước khi mưa lớn trên toàn tỉnh, khắc phục tình trạng ngập úng tại các đô thị và các tuyến giao thông.

Ban chỉ đạo cũng đề nghị Sở GT-VT Đồng Nai, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai, UBND các huyện, thành phố nhanh chóng đưa các dự án chống ngập, tiêu thoát lũ vào danh mục dự án cấp bách để được ưu tiên bố trí vốn.

Bên cạnh đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, nhanh chóng bàn giao mặt bằng không ảnh hưởng đến tiến độ các dự án chống ngập úng khu vực các suối: Chùa, Bà Lúa và Cầu Quan (TP.Biên Hòa). Sẵn sàng nhanh chóng bố trí vốn sự nghiệp cho công tác duy tu, nạo vét bùn, khơi thông cống rãnh kênh mương, tập trung vào thời điểm trước và trong mùa mưa bão để đảm bảo việc tiếp nhận, tiêu thoát nước.

Đồng Nai: Các địa phương, nhất là TP.Biên Hòa tìm cách xóa ngập khi mưa lớn - Ảnh 3.

Xây dựng kế hoạch cải tạo chỉnh trang hệ thống mương, rạch, suối bị lấn chiếm, thu hẹp hoặc mương rạch bị ô nhiễm nặng chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung; nạo vét, mở rộng các rạch, suối, cầu, cống trong nội đô kết hợp với bố trí xây dựng các hồ điều hòa ở các vị trí phù hợp trong quá trình lập quy hoạch chung.

Trên thực tế, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có nhiều điểm ngập nặng tại các địa phương như TP.Biên Hòa, huyện Trảng Bom, huyện Long Thành, huyện Nhơn Trạch. Ngoài các điểm ngập ở các khu dân cư thì còn có các điểm ngập nặng trên các tuyến đường liên tỉnh và cả quốc lộ…

Cụ thể, tại TP.Biên Hòa có nhiều điểm ngập như đường Đồng Khởi đoạn qua ngã ba Trảng Dài thuộc hai phường Tân Phong, Trảng Dài; đường Nguyễn Ái Quốc đoạn qua Big c Đồng Nai kéo dài đến Sở PCCC tỉnh Đồng Nai thuộc hai phường Trảng Dài và Tân Hiệp; khu vực đường Huỳnh Văn Nghệ đoạn thuộc phường Bửu Long; quốc lộ 51 đoạn thuộc phường Long Bình Tân; cổng 11 đoạn thuộc phường Long Bình…

Đồng Nai: Các địa phương, nhất là TP.Biên Hòa tìm cách xóa ngập khi mưa lớn - Ảnh 4.

Còn tại huyện Trảng Bom, Đồng Nai, ngập nặng nhất là tuyến đường ĐT767 đoạn qua khu vực gần KCN Sông Mây, mỗi khi mưa xuống người dân và công nhân đều khổ sở do phải lội nước. Có nhiều đoạn nước cao cả 70cm-1m khiến cho xe máy bị chết máy, bị nước cuốn…

Tương tự, tại huyện Long Thành, Đồng Nai nhiều vị trí khu dân cư cũng bị ngập nặng, nước về nhiều gây ngập nhà, hư hỏng nhiều tài sản khiến người dân bị thiệt hại nặng nề.

Đồng Nai: Các địa phương, nhất là TP.Biên Hòa tìm cách xóa ngập khi mưa lớn - Ảnh 5.

Còn tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai, ngập nặng nhất là khu vực thị trấn Hiệp Phước. Gần đây nhất vào đầu tháng 6 vừa qua một cơn mưa lớn kéo dài trong nhiều giờ đã khiến một dòng nước lớn tràn vào khu dân cư tại thị trấn này. Nước lớn cao từ 1-1,5m khiến nhiều người phải tìm cách leo lên trần, mái nhà để tránh bị nước cuốn đi. Toàn bộ đồ đạc của các hộ dân bị nhấn chìm trong dòng nước, nhiều tài sản bị cuốn trôi.

Cơn lũ quét đã khiến hơn 150 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó nhiều hộ dân bị ngập sâu hơn 1,5m, có một hộ dân bị sập nhà cấp 4, một hộ dân bị sập tường. Ngoài ra còn nhiều xe máy, ô tô bị nước cuốn gây hư hỏng nặng. Một số tuyến đường bị hư hỏng, mặt đường bị bong tróc, các mảng nhựa đường bị nước cuốn trôi.

Từ những thực tế trên, hiện nay ngành chức năng tỉnh Đồng Nai và các địa phương đang tăng tốc triển khai các dự án khắc phục, chống ngập để đảm bảo an toàn cho đời sống người dân.