Khoảng tháng 2, tháng 3 âm lịch là mùa của loài tôm tích (còn gọi là tôm tít), chem chép, cá bống sao, cá ngác và nhiều loại thủy sản khác.

Hiện tại, các loài đặc sản trên dòng sông Đồng Nai, trong đó có loài tôm tích (hay còn gọi là tôm tít) được khách đặt mua với giá khá cao, tuy nhiên, không phải ngày nào người “đi săn” cũng có hàng để bán.

Không có mùa nước nổi như các tỉnh vùng ĐBSCL, người dân ven sông Đồng Nai tính toán mùa khai thác các loại thủy sản dựa theo chu kỳ sinh sản của từng loài. Chẳng hạn các loài cá như nâu, đối ăn ngon nhất là tháng giêng, tháng 10 âm lịch, lúc kết thúc mùa mưa; cua gạch khoảng tháng 10 đến tháng chạp, từ tháng 2-3 trở đi là mùa tôm tích.

Tôm tích tự nhiên có nhiều ở vùng cửa sông giao thoa với biển, nơi có lượng phù sa màu mỡ, nguồn thức ăn vi sinh vật phong phú. Theo ngư dân địa phương, tôm tích thường vùi mình trong lớp bùn để ẩn náu và săn mồi.

Khác với chu kỳ của tôm tích biển, tôm tích nuôi, tôm tích tự nhiên ở sông sinh sản vào khoảng tháng 2-3 âm lịch. Mùa này, tôm tích ăn ngon nhất bởi thịt đầy đặn, dai ngọt, đặc biệt con cái có chuỗi gạch (trứng) dài từ cổ đến tận đuôi, ăn ngon và nhiều dinh dưỡng hơn cả tôm hùm, tôm càng xanh. Tôm tích sông có trọng lượng lớn nhất vào khoảng 300g/con.

Theo lời của ngư dân ven sông, mùa chem chép béo và ăn ngọt thịt nhất là khi những trái điều bói chín rụng gốc. “Muốn biết cụ thể tình hình thu hoạch chem chép thất, trúng ra sao, cứ nhìn vào cây điều. Năm nào điều thất mùa thì năm đó nhiều chem chép” – một ngư dân chia sẻ.

Dân trong nghề không gọi là đi bắt chem chép mà là đi đào. Người ta dùng cuốc nhỏ hoặc một khúc cây đào chem chép dưới bùn. Cũng có người dùng tay bắt chem chép như sò huyết nhưng ít. Dấu hiệu để nhận biết hang chem chép rất dễ, đó là những lỗ nhỏ bằng đầu đũa trông như những tổ ong, mỗi lỗ một con.

Từ mờ sáng, những người đi đào chem chép đã xuống ghe ra sông. Họ đến các bãi bồi tìm chem chép. “Giờ đi đào chem chép không cố định, tùy theo con nước, có khi chúng tôi đi 4-5 giờ sáng, có ngày đến tận 7 giờ sáng mới xuống ghe” – anh Nguyễn Văn Tô, ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) cho hay.

Trung bình mỗi ngày, anh Tô đào được 8-10kg, thu nhập khoảng 250-400 ngàn đồng. Chem chép sông Đồng Nai không có cát nên chỉ cần ngâm nước vài giờ cho sạch bùn đất bám ở vỏ là có thể đem nướng mỡ hành, hấp sả, xào dừa hay đơn giản là hấp với ít rau răm chấm muối tiêu chanh. Nhưng với người dân ven sông, cách thưởng thức chem chép độc đáo nhất là nấu canh với quả điều chín.

Một loại thủy sản khác làm nao lòng thực khách khi đến với vùng sông nước hạ du sông Đồng Nai là cá bống sao. Cá bống sao là loài cá mình tròn và thuôn dài, đầu to hơn cá bống thường.

Dựa vào đặc điểm, da cá bống sao có đốm xanh, trắng giống như những chòm sao nên người ta gọi là cá bống sao. Cá bống thường sống ở những vùng nước lợ, nơi có cửa sông đổ ra biển..