Không chỉ sở hữu nhan sắc xinh đẹp, những “bóng hồng” quyền lực bên cạnh tỷ phú Phạm Nhật Vượng còn có bản lĩnh và trí tuệ hơn người. Họ chính là nhân tố quan trọng giúp Vingroup đạt được thành công vang dội như ngày hôm nay.
Năm ngoái, lần đầu tiên khi bà Phạm Thu Hương, phu nhân của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lần đầu xuất hiện trước công chúng tại buổi lễ trao giải thưởng quỹ VinFuture đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của truyền thông.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng. (Ảnh: Internet)
Không phải là bóng hồng lặng lẽ bên tỷ phú Phạm Nhật Vượng, bà Phạm Thu Hương hiện còn giữ vị trí quan trọng trong hệ sinh thái của Vingroup. Vị phu nhân này hiện giữ vị trí Phó chủ tịch tập đoàn Vingroup, thành viên hội đồng quản trị CTCP Vincom Retail. Bà Thu Hương nắm giữ khoảng 170 triệu cổ phiếu VIC (4,47% cổ phần), tương đương khoảng 16.297 tỷ đồng tại thời điểm 21/1/2022.
Phó chủ tịch HĐQT Vingroup Phạm Thu Hương. (Ảnh Internet)
Ngoài bà Hương, bên cạnh tỷ phú Phạm Nhật Vượng còn nhiều nữ tướng tài giỏi cùng gánh vác Vingroup. Bên cạnh bà Phạm Thu Hương, giữ vị trí Phó chủ tịch HĐQT Vingroup còn có bà Phạm Thúy Hằng, bà Nguyễn Diệu Linh.
Bà Phạm Thu Hương lần đầu xuất hiện trước công chúng tại buổi lễ trao giải thưởng quỹ VinFuture. (Ảnh: Internet)
Bà Phạm Thúy Hằng là em gái của bà Phạm Thu Hương. Vị nữ phó chủ tịch này tốt nghiệp ngành ngoại ngữ và cổ đông của Công ty TNHH Technocom, Ukraina, thuộc Tập đoàn Technocom (nay là tập đoàn Vingroup) từ những năm 1998.
Bà Nguyễn Diệu Linh sinh ngày 14/5/1974. Trước khi giữ ghế Chủ tịch Vinhomes, bà Nguyễn Diệu Linh là Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vinhomes. Bà Nguyễn Diệu Linh đầu quân cho Vingroup từ năm 2005.
Phó chủ tịch HĐQT Vingroup Nguyễn Diệu Linh
Vị nữ phó chủ tịch tập đoàn Vingroup có trình độ cử nhân ngoại ngữ và cử nhân luật. Trước khi gia nhập Vingroup, bà là chuyên viên pháp lý Văn phòng Luật Ngo Miguérès and Partners, Hà Nội, rồi chuyển sang công tác tại Hãng Luật Gide Loyrette Nouel, Hà Nội từ năm 1999. Hiện bà Linh còn giữ vị trí chủ tịch HĐQT của Công ty TNHH Kinh doanh và Quản lý Bất động sản Vinhomes, Công ty TNHH Kinh doanh và Quản lý Bất động sản Vinhomes, Công ty TNHH Vincom Office.
Nổi bật trong dàn nữ tướng của Vingroup có thể kể đến Tổng giám đốc Vinfast toàn cầu Lê Thị Thu Thuỷ, vốn là một gương mặt quen thuộc trong giới kinh doanh. Năm 2013, bà Lê Thị Thu Thủy được Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) bình chọn là một trong 199 “Lãnh đạo trẻ toàn cầu 2013” (Young Global Leaders – YGL).
Tháng 11/2008, bà Thuỷ tham gia hoạt động tại Vingroup với tư cách là Trưởng ban đầu tư của tập đoàn. Đến năm 2011, bà được bổ nhiệm là Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị. Năm 2012, bà trở thành Tổng Giám đốc Vingroup, bà là người có những đóng góp lớn khi thực hiện nhiều thương vụ quan trọng với đối tác nước ngoài: Phát hành 100 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế của Vincom vào năm 2009 và 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế của Vingroup vào năm 2012.
Tổng giám đốc VinFast toàn cầu Lê Thị Thu Thủy.
Vào tháng 6/2017, Vingroup quyết định gia nhập thị trường ô tô, và bà Thuỷ đã trở thành một trong những người chủ chốt chèo lái con thuyền VinFast từ những ngày đầu tiên. Đến tháng 12/2021, bà Lê Thị Thu Thủy được Vingroup bổ nhiệm làm tổng giám đốc VinFast toàn cầu.
Giữ vị trí phó tổng giám đốc Vingroup cũng có 2 nữ tướng. Phó TGĐ Mai Hương Nội đồng thời là chủ tịch HĐQT của 1 loạt công ty khác như Vinpearl Đà Nẵng, Vinpearl Nha Trang, CTCP Giải pháp năng lượng VINES (VinES),… Bà Hương Nội vốn là kế toán viên Sở Bưu điện, Hà Nội. Đến năm 2006, bà Nội gia nhập Vingroup.Bà Mai Hương Nội. (Ảnh: Internet)
Phó Tổng giám đốc nữ khác là bà Dương Thị Hoàn. Bà Hoàn được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Tập đoàn từ tháng 08 năm 2016 đến nay. Trước đó, bà giữ chức vụ Trưởng Ban Truyền thông Tập đoàn từ năm 2007 đến năm 2016. Bà Hoàn tốt nghiệp Đại học Thương mại với bằng Cử nhân và bằng Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh theo chương trình đào tạo liên kết của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội.
Bà Dương Thị Hoàn. (Ảnh: Internet)
Kế toán trưởng tập đoàn Vingroup và Vinschool là bà Nguyễn Thị Thu Hiền.
Ngoài ra tại một công ty con niêm yết khác của Vingroup là Vincom Retail, người đứng đầu ban quản trị và lãnh đạo cũng thuộc về nữ giới. Cụ thể, Chủ tịch hội đồng quản trị là bà Thái Thị Thanh Hải, Tổng giám đốc là bà Trần Mai Hoa, phó Tổng giám đốc là bà Trần Thu Hiền. Vị trí giám đốc tài chính, trưởng ban kiểm toán nội bộ cũng thuộc về nữ giới.
Công ty VinAI cũng có chủ tịch HĐQT là Bà Nguyễn Mai Hoa. Bà Mai Hoa từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong hệ thông các công ty của Tập đoàn Vingroup, như Tổng giám đốc Vinsmart, người đại diện theo pháp luật của One Mount Group. Hiện bà Hoa đang là Thành viên HĐQT CTCP Phát triển Đô thị Nam Hà Nội.
Hay như công ty mới được thành lập như Công ty CP Công nghệ sinh học VinBioCare có Tổng giám đốc là bà Lê Ngọc Chi (sinh năm 1980). Trước đó, bà Lê Ngọc Chi đã qua các chức vụ: Trưởng phòng quan hệ nhà đầu tư (từ tháng 5/2015 – 10/2017), hiện là Giám đốc phát triển dự án, Phó Trưởng ban Tài chính Đối ngoại trong hơn 3 năm tại Tập đoàn Vingroup.
Với sự góp mặt như trên, Vingroup tạo ấn tượng với nhiều người rằng tập đoàn này tin dùng nhiều nữ vào vị trí lãnh đạo. “Thực ra nhiều hay ít là do khái niệm và nó xác định dựa trên cơ sở nhu cầu”, ông Phạm Nhật Vượng từng trả lời khi được hỏi về điều tại buổi nói chuyện hiếm hoi tại một tập đoàn viễn thông lớn tại Việt Nam cách đây vài năm.
Theo tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Vingroup hoạt động theo mô hình Holding, ở dưới bộ máy tập đoàn là công ty con hoạt động độc lập. Điều này khiến tại Vingroup, những công việc đòi hỏi đàn ông làm thì ở đều do đàn ông làm. Việc gì phụ nữ có thế mạnh tốt hơn thì phụ nữ làm.
“Ví dụ phụ trách về an ninh, đối ngoại là đàn ông, xây dựng là đàn ông, phát triển dự án cũng là đàn ông. Thế nhưng kinh doanh chẳng hạn lại là phụ nữ”, ông Vượng cho biết.
Vị doanh nhân này cũng lý giải thêm vị trí Tổng giám đốc của Vingroup không phải là người phải làm hết tất tần tật các việc. Một công ty của Vingroup chỉ làm một số mảng. Ví dụ với mảng Xây dựng, Tổng giám đốc không cần trực tiếp làm mà chỉ cần đưa yêu cầu “cần xây tòa này đến ngày này phải xong”.
“Đưa yêu cầu thì phụ nữ đưa yêu cầu tốt hơn. Phụ nữ đòi hỏi tốt hơn anh em mình. Ví dụ tài chính kế toán, pháp lý kinh doanh,… là thế mạnh của phụ nữ. Cho nên đương nhiên những vị trí đó bao giờ chúng tôi cũng bổ nhiệm phụ nữ”, ông Vượng giải thích.