Sau sự vụ tranh chấp “nội chiến” với ông Đặng Lê Nguyên Vũ, bà Lê Hoàng Diệp Thảo quyết định đưa TNS trở về Việt Nam và có những bước tiến đột phá trong kinh doanh ra thị trường thế giới.

Lùm xùm kiện tụng 

Năm 2008 sau khi sang tận Singapore nghiên cứu, nhận thấy tiềm năng rất lớn của vùng đất này để phát triển kinh doanh quốc tế,  bà Thảo thành lập Trung Nguyen Singapore Pte., Ltd tại Singapore (viết tắt là TNS, sau này đổi tên là Trung Nguyen International Pte., Ltd – viết tắt là TNI), với hoạt động chính là kinh doanh cà phê, cửa hàng cà phê (bao gồm cả hoạt động xuất nhập khẩu).

Ngoài ra những giấy tờ cũng đứng về phía bà Thảo. Cụ thể, trên Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài số 150/BKH-ĐTRNN ngày 7/7/2008 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp cũng chứng nhận vợ cũ “vua cà phê” là người đầu tư ra nước ngoài để thực hiện dự án TNS. “Khi ấy, với 50.000 SGD, tôi đăng ký thành lập công ty Trung Nguyên Singapore (TNS), tự đứng tên và chịu trách nhiệm”, bà Thảo chia sẻ.

 
Năm 2010, bà Thảo mang bầu con út, để thuận tiện cho việc quản lý, năm 2011, bà Thảo đã chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần trên cho ông Vũ. Sau khi mọi thủ tục hoàn tất vào ngày 23/1/2013, ông Vũ nắm giữ 520.800 cổ phần phổ thông của Trung Nguyên Singapore.

Năm 2015, một văn bản chuyển nhượng hơn 7,5 triệu cổ phần đã được nộp cho Cục quản lý doanh nghiệp và kế toán Singapore (ACRA), để thực hiện chuyển giao cổ phiếu phổ thông từ ông Vũ sở hữu sang bà Thảo.

Quyết không nhượng bộ, ông Đặng Lê Nguyên Vũ ngay sau đó đã tố cáo lên các nhà hành pháp của Singapore, vì cho rằng vợ cũ đã dùng thủ đoạn chiếm đoạt con dấu và làm giả chữ ký của ông trong văn bản chuyển nhượng cuối cùng này.

Trước cáo buộc của chồng cũ, bà Lê Hoàng Diệp Thảo khẳng định mình là người duy nhất điều hành TNS kể từ khi thành lập. Hơn nữa, vị CEO còn cho rằng khối tài sản của TNS chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong khối tài sản chung nên bà không cần lừa đảo để chiếm đoạt như văn bản tố cáo từ phía ông Vũ.

Quay trở về Việt Nam và ghi dấu ấn mạnh mẽ 

Dưới sự dẫn dắt của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, sau khi quay về Việt Nam, Trung Nguyên International đã đạt được nhiều thành tích vang dội.

Tháng 10/2016, thương hiệu King Coffee lần đầu được Trung Nguyên International “lấn sân” sang thị trường Hoa Kỳ. Chỉ trong thời gian ngắn, thương hiệu được đón nhận nồng nhiệt và nhanh chóng mở rộng sang Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Úc, Ấn Độ…

Tháng 4/2017, King Coffee đánh dấu sự trở lại Việt Nam với việc khánh thành nhà máy TNI KING COFFEE tại tỉnh Bình Dương. Đến tháng 7/2017, King Coffee có mặt hầu hết trên 64 tỉnh/ thành trên cả nước.

 
Quả không ngoa khi nhận xét giai đoạn 2016 – 2017 là giai đoạn đỉnh cao của TNI về quy mô, sản lượng và các dòng sản phẩm.

Không chỉ nhận được sự yêu thích ở trong nước, thương hiệu King Coffee, được sự công nhận quốc tế khi có mặt tại hơn 120 quốc gia, trong đó có hệ thống siêu thị lớn nhất Hoa Kỳ với 622 cửa hàng, theo Asia Business Outlook.
“Con cưng” của bà Lê Hoàng Diệp Thảo được tạp chí Asia Business Outlook – tạp chí kinh doanh hàng đầu của Châu Á vinh danh vào top 10 công ty cà phê hàng đầu Đông Nam Á năm 2023. Đồng thời hình ảnh bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng được chọn để đưa lên trang bìa của tạp chí.

 
Thành công của thương hiệu đến từ chính chất lượng của sản phẩm. Thương hiệu King Coffee sau khi hiện diện trên T-Mall đã nhanh chóng trở thành một trong bốn thương hiệu bán chạy nhất kể từ khi gia nhập thị trường Trung Quốc vào tháng 3/2017. Ngoài ra, hàng loạt các ông lớn như Costco, Carrefour, Lulu Hypermarket, Amazon, Alibaba cũng đang dòm ngó với mong muốn được hợp tác.

Càng tự hào hơn nữa khi thương hiệu của chuỗi quán cà phê còn tạo ra 3 mô hình nhượng quyền Luxury Café, Premium Café, Grab & Go Café. Những mô hình này đã có mặt tại hơn 50 cửa hàng và 15 đơn vị ở Việt Nam. Trên thế giới, các nước Anh, Hàn Quốc, Thái Lan và Pakistan đã có nhượng quyền chính của King Coffee.