Hơn 9 ha đất tại H.Phú Quốc (Kiên Giang) được ông Đặng Lê Nguyên Vũ mua trong thời kỳ hôn nhân với bà Lê Hoàng Diệp Thảo. 2 khu đất này sau đó bị UBND H.Phú Quốc thu hồi, bà Thảo khởi kiện yêu cầu hủy các quyết định liên quan.

TAND tỉnh Kiên Giang vừa xét xử sơ thẩm và chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lê Hoàng Diệp Thảo (50 tuổi, người sáng lập kiêm Tổng giám đốc TNI King Coffee), về việc hủy 6 quyết định của UBND H.Phú Quốc khi thu hồi đất của bà và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (52 tuổi, người sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên – chồng cũ của bà Thảo).

Trong vụ án hành chính trên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong phiên tòa sơ thẩm giải quyết ly hôn của hai bên

Theo đơn khởi kiện, bà Lê Hoàng Diệp Thảo nêu, năm 2011, UBND H.Phú Quốc ban hành 2 quyết định thu hồi 2 lô đất gần 9,5 ha đứng tên ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại xã Bãi Thơm (H.Phú Quốc) với lý do để xây dựng khu du lịch dân cư làng chài Vũng Trâu.

Cùng thời gian này, UBND H.Phú Quốc ra quyết định hỗ trợ bồi thường cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ hơn 16,7 tỉ đồng.

Không đồng ý việc hỗ trợ bồi thường, ông Đặng Lê Nguyên Vũ khiếu nại. Sau đó, UBND H.Phú Quốc ra 2 quyết định không chấp nhận khiếu nại của ông Vũ.

Theo bà Lê Hoàng Diệp Thảo, tháng 8.2020, sau khi biết các quyết định hành chính trên, cùng việc các khu đất này là tài sản trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng (khi ông Vũ và bà Thảo chưa ly hôn – PV), vì vậy các quyết định thu hồi, bồi thường liên quan chỉ đề cập và thông báo đến ông Đặng Lê Nguyên Vũ là không phù hợp.

Bên cạnh đó, bà Lê Hoàng Diệp Thảo trình bày tại tòa, dù bà và ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã ly hôn nhưng cả hai đều có đủ điều kiện tài chính, năng lực quản trị để tiếp tục hợp tác với tư cách là đối tác của nhau, cùng nhau thực hiện dự án khu du lịch dân cư làng chài Vũng Trâu tại H.Phú Quốc.

Từ đó, theo bà Thảo, UBND H.Phú Quốc thu hồi đất của bà và ông Vũ tạo lập trong hôn nhân, không cho cả hai thực hiện dự án theo quy hoạch là không thấu tình đạt lý.

Không đến tòa, nhưng ông Đặng Lê Nguyên Vũ có gửi văn bản trình bày ý kiến đến tòa. Theo đó, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đồng ý với các yêu cầu khởi kiện của bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Theo ông Vũ, sở dĩ, trong thời gian ly hôn, các khu đất này không được đề cập bởi từ năm 2011 – 2014, tất cả các thửa đất này đã bị UBND H.Phú Quốc thu hồi.

Xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh Kiên Giang chấp nhận các yêu cầu trên của bà Lê Hoàng Diệp Thảo vì các quyết định thu hồi, bồi thường của UBND H.Phú Quốc đã vi phạm các điều 39, 40 luật Đất đai năm 2003.

Năm 2015, bà Lê Hoàng Diệp Thảo xin ly hôn đơn phương với ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Năm 2019, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm tuyên chấp thuận đơn của bà, trao quyền nuôi dưỡng các con. Ông Vũ cấp dưỡng mỗi năm 10 tỉ đồng tính từ năm 2013 đến khi các con học xong đại học.

Ông Vũ được sở hữu 60% cổ phần, nắm quyền điều hành Tập đoàn Trung Nguyên và trả tiền cho bà Thảo với số cổ phần bà sở hữu.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo kháng cáo nhưng TAND cấp cao xét xử phúc thẩm tuyên y án. Không đồng ý, bà Thảo làm đơn yêu cầu cấp giám đốc thẩm hủy toàn bộ bản án. Năm 2020, Viện KSND tối cao ra kháng nghị hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm vì cho rằng “có nhiều sai phạm”.

Năm 2021, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao ra quyết định giám đốc thẩm, cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo được ly hôn. Tài sản chung hơn 7.900 tỉ đồng được chia ông Vũ gần 4.700 tỉ đồng, bà Thảo hơn 3.200 tỉ đồng. Đồng thời giao ông Vũ sở hữu toàn bộ số cổ phần của cả hai tại Trung Nguyên.

Vụ tranh chấp ở Trung Nguyên: Bà Lê Hoàng Diệp Thảo thắng kiện

Tòa đã bác đơn kháng cáo của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, yêu cầu phục hồi chức danh Phó tổng giám đốc thường trực tại Tập đoàn cà phê Trung Nguyên cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Ngày 20/9, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã mở phiên xét xử phúc thẩm vụ kiện “Tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên (Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) theo đơn kháng cáo của bị đơn.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo khởi kiện chồng là ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Tập đoàn cà phê Trung Nguyên nhằm yêu cầu hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc thường trực của bà. Bà Thảo cũng cho rằng việc ban hành quyết định này trái với quy định pháp luật.

Đồng thời, bà Thảo yêu cầu khôi phục lại chức danh cũ cho bà, chấm dứt các hành vi ngăn chặn để bà thực hiện quyền, nghĩa vụ của 1 cổ đông công ty cũng như là thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT)…

Trước đó, tháng 4/2015, ông Vũ đột ngột bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại Tập đoàn Trung Nguyên.

Vợ chồng bà Thảo liên tục đưa nhau ra tòa

Đến tháng 10/2015, ông Vũ có văn bản triệu tập cuộc họp HĐQT để biểu quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc (CEO) của bà Thảo và thay đổi người đại diện theo pháp luật tại tập đoàn này. Bà Thảo có văn bản không đồng ý việc triệu tập cuộc họp nhưng sau đó ông Vũ vẫn tổ chức mà vắng mặt người có liên quan.

Trong cuộc họp vào ngày 2/11/2015, do ông Vũ chủ trì, chỉ có 2 thành viên là ông và mẹ ông để lập biên bản và ra nghị quyết miễn nhiệm bà Thảo khỏi các chức vụ nêu trên. Biên bản 2 thành viên cũng quyết định bầu ông Vũ vào vị trí Chủ tịch kiêm CEO của Trung Nguyên, thay đổi người đại diện pháp luật từ bà Thảo sang ông Vũ.

Bà Thảo cho rằng các quyết định miễn nhiệm bà và bổ nhiệm ông Vũ không đúng quy định pháp luật, gây bất lợi, ảnh hưởng đến việc điều hành của bà trong công ty. Do đó, tháng 11/2015, bà Thảo khởi kiện quyết định trên lên tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương.

Trong phiên xử sơ thẩm vào tháng 8/2016, TAND tỉnh Bình Dương đã tuyên bác các yêu cầu của bà Thảo. Bà Thảo kháng cáo, yêu cầu TAND Cấp cao tại TP.HCM hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm giải quyết lại.

Giữa năm 2017, bà Thảo khởi kiện chồng là ông Đặng Lê Nguyên Vũ với tư cách Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty CP tập đoàn Trung Nguyên ra TAND TP.HCM. Bà Thảo khởi kiện với 4 yêu cầu: buộc ông Vũ hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh Phó tổng Giám đốc thường trực trái pháp luật, khôi phục lại chức danh cũ cho bà, chấm dứt các hành vi ngăn chặn để bà thực hiện quyền, nghĩa vụ của 1 cổ đông công ty cũng như là thành viên HĐQT…

Ngày 22/9/2017, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm vụ kiện này, với phán quyết hủy quyết định bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo do ông Vũ (với tư cách Chủ tịch HĐQT) ký tháng 4/2015. Đồng thời, khôi phục chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Thảo trong Tập đoàn Trung Nguyên.

Tòa cũng yêu cầu ông Đặng Lê Nguyên Vũ không được ngăn cấm bà Thảo tham gia điều hành, quản lý tại tập đoàn này.

Sau phiên sơ thẩm, ông Vũ và Công ty Cổ phần tập đoàn Trung Nguyên đã gửi đơn kháng cáo và tiếp tục ra quyết định bãi nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực của bà Thảo.

Trước phiên xét xử phúc thẩm diễn ra, trao đổi với VietNamNet, bà Thảo cho hay, nhiều biến cố liên tục ập đến khi bà bất ngờ bị bãi nhiệm khỏi chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực của Trung Nguyên. Bà nói rằng đã khóc đến cạn nước mắt nhưng vì sự tồn vong của gia đình, của Trung Nguyên – sự tồn vong của một thương hiệu quốc gia – bà đã nỗ lực đến cùng, trông đợi vào sự công bằng của luật pháp.

Tại phiên tòa hôm nay, luật sư đại diện phía Trung Nguyên và ông Vũ có cùng quan điểm, yêu cầu tòa tuyên hủy yêu cầu khởi kiện về quyết định bãi nhiệm bà Thảo khỏi chức danh Phó tổng giám đốc thường trực.

Lý do đưa ra là, sau khi có bản án sơ thẩm vào ngày 22/9/2017, ông Vũ tự thấy quyết định bãi nhiệm đó không thuộc thẩm quyền của ông (Chủ tịch HĐQT) nên ngày 9/9/2017 đã tự thu hồi, hủy bỏ quyết định này. Phía bị đơn cũng cho rằng ông Vũ không hề ngăn cản bà Thảo tham gia vào hoạt động của công ty như phía nguyên đơn khởi kiện.

Đồng thời, ông Vũ và Trung Nguyên cho rằng tranh chấp về quyết định bãi nhiệm chức danh thuộc thẩm quyền của HĐQT công ty chứ không thuộc phạm vi tranh chấp thương mại hay kinh doanh thương mại. Do đó, luật sư cho rằng tòa án không có thẩm quyền xét xử vụ kiện này.

Theo luật sư Trương Trọng Nghĩa (bảo vệ quyền lợi cho bà Thảo), phía bị đơn có sự mâu thuẫn khi cho rằng đối tượng khởi kiện không còn nhưng vẫn kháng cáo. Luật sư chỉ ra việc bà Thảo bị cấm tham gia điều hành công ty được thể hiện rõ qua việc mời bà đi họp HĐQT thưa thớt, không cho bà “đụng” vào giấy tờ, ký hợp đồng hay gặp đối tác.

“Họp HĐQT mà chỉ có mặt để hơp thức hóa thì không phải là điều hành, quản lý công ty”, luật sư Nghĩa nói.

Hội đồng xét xử (HĐXX) xét thấy việc Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trung Nguyên ký quyết định bãi miễn chức danh bà Thảo đã cản trở bà không được tham gia điều hành công ty. Tại phiên tòa hôm nay, phía bị đơn cung cấp tài liệu cho tòa, có biên bản bà Thảo tham gia và có biên bản không có bà Thảo. Việc bị đơn cho rằng không cản trở bà Thảo tham gia nhưng lại không đưa ra được chứng cứ gì.

Do đó, HĐXX tuyên không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Cụ thể, hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Thảo. Ông Vũ không được ngăn cấm bà Thảo tham gia điều hành, quản lý công ty.